Là ngày lễ truyền thống của dân tộc Đông Á, trung thu không chỉ là ngày tết của người Việt mà còn là ngày tết của những quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines. Dưới ánh trăng rằm, với bánh trung thu, trái cây, đèn ông sao và múa sư tử... dù còn trẻ thơ hay đã trưởng thành, Tết Trung thu vẫn được mọi người đón đợi, háo hức, mong chờ.
Người Việt vốn coi trọng truyền thống ẩm thực, do đó mỗi dịp tết nhất hội hè thường có một món ăn đặc trưng. Trung thu là cái tết lớn thứ ba trong năm, trên mặt ngôn ngữ người ta thường liên kết ý niệm "tròn" của trăng với cảnh quây quần đoàn viên của gia đình. Chính vì vậy, vào rằm trung thu, người Việt Nam thường bày cỗ thưởng nguyệt với bánh trái hoa quả trong mùa, đặc biệt không thể thiếu bánh mặt trăng.
Ngọt ngào bánh Trung thu
Từ hình ảnh tròn của vầng trăng, con người thuở xưa đã ký thác tư tưởng của mình thành một biểu tượng: đó là chiếc bánh tròn mà người ta gọi nó là Nguyệt bính hay bánh vầng trăng. Ngắm trăng thu mà không ăn Nguyệt bính sẽ thật vô nghĩa.
Bánh trung thu là loại bánh ngọt thường được dùng trong dịp tết trung thu, là nét đặc trưng của lễ hội mùa thu, món quà cảm tạ trời đất cho một mùa màng bội thu và thể hiện ân tình với người thân, bạn bè. Bánh có dạng hình tròn hay hình vuông, dày khoảng 4-5 cm, không loại trừ kích cỡ to hơn. Ngoài ra, bánh còn có nhiều kiểu dáng khác nhau nhưng phổ biến nhất là kiểu heo mẹ với đàn con, cá, chim...
Ở Việt Nam từ xưa đến nay, bánh trung thu gồm hai loại: bánh dẻo và bánh nướng. Bánh dẻo làm bằng bột nếp trắng tinh nhồi với đường và nước hoa bưởi thơm lừng, đúc trong khuôn gỗ thường hình tròn, nhân làm bằng hạt sen hay đậu xanh tán nhuyễn. Theo khẩu vị Sài Gòn, bánh dẻo thường ngọt thanh hơn ngoài Bắc. Bánh nướng hình vuông hoặc tròn, được đựng trong một cái hộp giấy vuông. Vỏ bánh làm bằng bột mì dậy men trộn với trứng gà và chút rượu. Nhân thì có thể thuần túy làm bằng đậu xanh, khoai môn, hay hạt sen tán nhuyễn bao bọc lấy một hay hai tròng đỏ trứng vịt muối có mùi vani hay sầu riêng hoặc là nhân thập cẩm gồm: jambon, thịt quay, vi yến, dừa, hạt dưa, vỏ quít, ngó sen, bí đao.
Những loại bánh trung thu truyền thống thường có một lớp vỏ mỏng (bề dày không quá 1 cm), làm bằng bột mì, ít hương vị, bao bọc khối nhân rất ngọt và hơi có dầu. Thời xưa, nhân bánh thường là những quả trứng muối tượng trưng cho trăng rằm. Vị mặn của trứng muối dường như trung hòa cho vị ngọt của các nguyên liệu khác. Bánh trung thu được đem nướng sau khi đã định hình, rất hiếm khi được chưng cách thủy hay rán.
Bánh trung thu hiện đại phần lớn là sự cách tân kiểu dáng, nhân bánh cũng có khác. Nếu như truyền thống làm nhân bánh bằng trứng muối thì bây giờ, có thể là đậu xanh, khoai môn, jambon và các hương liệu như: café, sô cô la, các loại trái cây... Những năm gần đây còn xuất hiện loại bánh trung thu dành riêng cho người ăn kiêng. Về mặt thưởng thức, bánh nướng mới ra lò ăn không ngon vì vỏ khô cứng mà phải chờ ba ngày sau, mỡ trong lớp nhân mới rịn ra làm bánh ăn mềm và thơm ngon.
Trong những năm gần đây, bánh trung thu không những đã trở thành món quà sang trọng và đầy ý nghĩa để dành tặng những người thân yêu, bạn bè mà cùng hương vị cổ truyền thơm ngon kết hợp với hiện đại, bánh trung thu tạo nên vị ngọt thanh thanh, thuần khiết vừa miệng, là món ăn không thể thiếu mỗi độ trung thu về.
MonngonSaigon.com