Trước ngày rằng tháng tám cả tuần thì xóm em đã rộn rã vào những công đoạn chuẩn bị tết trung thu, các anh chị lớn quanh xóm bắt đầu chặt tre mang về tụ tập làm lồng đèn cho cả xóm. Mấy đứa con nít loi choi như em chỉ được làm chân sai vặt lấy cái này, cái kia để phụ mọi người nhưng thích lắm. Tất cả lũ trẻ của xóm chẳng thiếu đứa nào, không khí rộn ràng y chang những ngày tết Nguyên Đán vậy, có khi còn vui hơn. Các anh chị lớn vừa làm vừa hướng dẫn cho những đứa nhỏ hơn (Y chang truyền nghề ấy nhỉ), tụi nhóc nhóc thì bày những trò chơi dân gian hoặc đơn giản chỉ ngồi... ngó, chực đó để được các anh chị làm cho mình cái lồng đèn ngon lành để chơi tết trung thu.
Lồng đèn thời ấy chủ yếu là lồng đèn ông sao, loại này dễ làm lại đẹp nên ai cũng chuộng, ngoài ra còn có đèn bánh ú, đèn chế tạo bằng lon bia, lon sữa bò, loại này thiết kế có gắn cả bánh xe, khi đẩy đi sẽ phát ra âm thanh lanh canh rất vui tai, đơn giản hơn là đèn bằng giấy hoa,...
Những nguyên liệu làm lồng đèn là những nguyên liệu "hợp tác xã", tre thì chặt ngoài đầu làng, giấy kiếng màu (loại này rất hiếm) thì mỗi đứa mỗi ít, lấy giấy để gói bánh in hồi tết ủa ba mẹ ấy mà vuốt thẳng ra để làm, chủ yếu là lấy giấy tập dán lên khung lồng đèn, những lồng đèn của tụi con gái còn được các chị còn trang trí bằng cách lấy giấy màu cắt hoa, cắt lua tua gắn lên lồng đèn cho điệu đàng và duyên dáng hơn.
Em cũng ngồi chầu chực cả mấy ngày mới được một cái lồng đèn... ông sao bé tẹo (Vì giấy tập trắng em ít quá!), mang về khoe cả nhà, cất thật cẩn thận, chỉ chờ đêm 13.8,14.8 (AL) mang ra rước đèn cùng lũ bạn. Những ngày ấy cứ thấp thỏm, mong sao thời gian qua thật nhanh. Lên trường đứa nào cũng khoe với nhau về chiếc lồng đèn của mình, đứa nào cũng giành lồng đèn mình là đẹp nhất.
Rồi ngày ấy cũng đến, ba nhắn người quen rằng mong mẹ về đón trung thu với tụi em. Nhưng vì điều kiện, đường xá xa xôi mẹ không thể về được. Tụi em đón trung thu năm ấy không có mẹ.
Chiều 14/8(ÂL) ba đi làm về, như mọi ngày ba đón bé em của em về, tắm rửa và lo cơm nước cho tụi em. Ăn xong trời cũng chập tối, ba bảo: Cha con mình ra nhà nội và ngoại chơi trung thu nha!
Cả hai đều rất vui, chẳng mấy khi được đi chơi mà. Bé em cứ huyên thuyên hát trong khi ba chuẩn bị đồ đạc: "tết trung thu em rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường...", bài hát này nó hát suốt cả tuần nay, chắc nó mới vừa học được. Hát đã rồi nó quay qua hỏi: Ba ơi! Có bánh "chung" thu không? Ba ơi! "chèn chầy" con âu? Ba ơi! Mẹ không dzề à? Ba ơi! Mình đi "chong" dzề cho con đi "chước chèn" với mấy đứa "chong chóm" mình nha!
(Dịch: Ba ơi! Có bánh trung thu không? Ba ơi! đèn cầy con đâu? Ba ơi! Mẹ không về à? Ba ơi! Mình đi xong về cho con đi rước đèn với mấy đứa trong xóm mình nha! )
Ba trả lời mấy câu hỏi của nó mệt mỏi. Em cũng chả kém gì, cứ huyên thuyên cùng nhỏ em với những chuyện không đâu, khi thi hát cùng, khi thì nói với nhau về cái lồng đèn của em, khi thì bàn cùng nhau chuyện tối nay sẽ rước đèn từ đâu, haha.
Ngày ấy quê em đã có điện nhưng 10 ngày thì hết 8 ngày cúp điện. Ngay đêm trung thu chắc do trăng sáng quá nên người ta không chịu thắp điện. Cũng nhờ thế tết trẻ con mới thú vị hơn.
Trời bắt đầu tối dần, bé em em bắt đầu trở chứng, nó chẳng thèm hát hò hay nói nữa, ngồi ngay bậc cửa, ngó ra đường, nó chỉ hỏi một câu: Ba ơi! chừng chào mẹ dzề? (Dịch: Chừng nào mẹ về?). Tự nhiên nó cứ nói: "Con nhớ mẹ!" làm em cũng buồn theo. Thấy hai đứa gần như sắp khóc, ba bèn vào tủ lấy một cái bánh trung thu ra bảo: Hôm nay sinh nhật bé Ng, ba mẹ mua bánh này mừng sinh nhật con. Rồi ba cắm đèn cầy thắp lên và hát bài "Happy Birthday", đó là lần đầu tiên em biết ngày sinh của em mình và là cái bánh sinh nhật ngon nhất của tụi em. Vì dễ gì trung thu mà có bánh ăn thế này. Em nhớ hoài chiếc bánh ấy, nó to bằng lòng bàn tay con nít của em, nhân đậu xanh, không có trứng gì đâu, bánh ngọt lịm và thơm hương đậu xanh, chỉ đơn giản vậy mà hạnh phúc lắm luôn. (Mà hình như từ nhỏ đến lớn, em chỉ khoái mỗi bánh trung thu nhân đậu xanh nên cái bánh đầu tiên ấy xem như là chiếc bánh ngon nhất, dù giờ có điều kiện ăn nhiều loại bánh trung thu nhưng vẫn không có cảm giác ngon lành như thế!)
Nhỏ em thổi đèn xong, ăn bánh ngon lành thì quên mất...nhớ mẹ. Trăng bắt đầu nhô lên, ba mang xe đạp ra chở hai chị em đi chơi (Ba sợ bé em ăn xong dở chứng đòi mẹ thì khổ), bé em em ngồi trước xe, em ngồi sau xe ôm chặt lấy ba. Đoạn đường từ nhà ra nội và ngoại sao mà vui ghê, càng ra trung tâm của xã người càng đông, lồng đèn càng nhiều và sặc sỡ. Mọi người lục đục kéo nhau đi ra chùa xem ca nhạc (Ca nhạc do chùa tổ chức), tụi trẻ như em í ới gọi nhau, cười đùa rộn rã.
Ra đến nhà nội, ông nội cho tiền hai đứa (không nhớ bao nhiêu nhưng vui lắm!) nói là lì xì tết, hihi. Bà nội còn cho mỗi đứa 5 cây đèn cầy nữa, thích ơi là thích! Thể nào chị em của em cũng có số đèn cầy nhiều hơn tụi xóm cho coi, chỉ nghĩ thế là thấy hãnh diện lắm rồi.
Ra nhà ngoại thì được ông bà cho mỗi đứa một mẩu bánh mà dì Út mua cho ngoại cùng mấy đứa em, được chơi cùng với mấy đứa em con Dì, rồi nói chuyện linh tinh lang tang, cùng nhau thi hát hò những bài trung thu, được bà ngoại ôm vào lòng và vỗ về: Tội tụi nhỏ, không có mẹ ở nhà nên không được tươm tất lắm, rồi em được bà chải đầu, cột tóc cho đẹp (Ba em là thua vụ này).
Trăng ngày càng lên cao, tụi em nhớ cái lồng đèn còn ở nhà chưa được mang ra khoe cùng lũ bạn nên cứ ngóng về (Đi đường xa ba không muốn chị em tụi em mang theo lồng đèn, sợ rách, sợ em lơ đễnh không vịn ba, sẽ té). Ba biết ý, sau khi thăm nội và ngoại xong thì chở ngay tụi em về nhà. Lúc này mới là hội thực sự của tụi em.
Mang lồng đèn ra, chăm chỉ thắp đèn cầy cho sáng lên, nắm tay dắt nhỏ em ra đầu xóm. Đoạn đường mà chúng em sẽ cùng nhau rước đèn là từ đầu xóm đến cuối xóm, chỉ chừng 200m. Mọi người đã tụ tập đầy đủ nơi đó, bắt đầu so sánh lồng đèn của nhau xem đèn ai đẹp nhất, đèn ai sáng nhất, sau đó thì bắt đầu đổ đèn cầy ra đếm xem ai nhiều đèn cầy nhất. Tội thật, có đứa trong xóm chỉ có duy nhất 1 cây đèn cầy để chơi, có đứa không có lồng đèn luôn chỉ xin ai đó cây đèn cầy thắp trên cái miếng sành từ một cái chén bể nào đó rồi cũng nhập cuộc vào chúng bạn, cũng hò hét, cũng hát vang:"Tùng dinh dinh cắt tùng dinh dinh, em rước đèn chào đón chị hằng".
Có đứa đang chơi nửa chừng, gió lùa vào đèn cầy bị tắt, mấy anh chị lớn quây lại xem thử lồng đèn bị hở gió chỗ nào, tìm cách dùng giấy dán thêm vào cho kín bớt. Có đứa bị ngã đèn cầy, không kịp cứu chữa, lồng đèn cháy rụi, còn trơ mỗi cái khung, sau một hồi cười chọc quê thì cũng quây lại tìm cách dán lại chiếc lồng đèn, đứa cho tờ giấy, người chạy về lấy cơm nguội làm keo dán,...dù là đèn sẽ xấu hơn, sẽ vội vã hơn nhưng ai cũng nhiệt tình, cũng vui.
Chúng em chia sẻ cho nhau những mẩu đèn cầy khi ai đó hết đèn cầy để cùng nhau tiếp tục thắp sáng cho lồng đèn của nhau, để cùng nhau rước đèn trong đêm trung thu một cách trọn vẹn. Dù trung thu không bánh mức như bây giờ nhưng thật ấm áp và ngọt ngào.
Trung thu năm ấy không có mẹ, ba không ra sân ngồi xích đu đung đưa, ba ở trong nhà chuẩn bị chỗ ngủ cho chúng em rồi ôm chiếc radio nghe thời sự. Chắc ba cũng buồn lắm. Tụi em vô tư, đi chơi cùng lũ bạn mệt nhoài, trời bắt đầu về khuya, tất cả giải tán, ai về nhà nấy.
Thế là kết thúc ngày sinh nhật của nhỏ em, kết thúc ngày tết trẻ con không có mẹ năm ấy là vậy! Chị em em vẫn vui vẻ và đôi khi nhớ mẹ, chỉ có ba là buồn nhất.
Bloger: RÊU PHONG BÌNH YÊN
Nguồn:langdang.blogtiengviet.net