Món ăn được người Á Đông lưu tâm nhất trong mùa lễ hội này đó là Bánh Trung Thu, với rất nhiều hương vị khác nhau và thường được thưởng thức với trà, thường là trà đặc. Tết trung thu thường là tết của thiếu nhi tuy nhiên ngày nay tết Trung Thu được tất cả mọi người quan tâm,coi trọng.
Sự tích và truyền thuyết về Tết Trung Thu
Đối với người phương Đông, Trung Thu là một trong hai lễ hội quan trọng nhất sau Tết Âm Lịch. Trong những ngày này các gia đình thường quây quần bên nhau, cùng ăn bánh trung thu, bưởi, uống trà và ngắm trăng. Có khi họ dùng bữa ngoài trời và trẻ con nông thôn thường hay đặt vỏ quả bưởi trên đầu như là một biểu hiện để xua đi những điều không may không tốt lành trong nửa năm vừa qua và cầm lồng đèn “đi dạo” khắp phố phường. Ngoài ra, đây cũng là ngày mà nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra: những buổi “hương khói” thần mặt trăng, đốt đèn lồng, múa rồng, múa lân. Ở các vùng quê nước ta các em nhỏ em thường tổ chức cắm trại để mừng tết trung thu. Các em nhỏ tập chung lại vào đêm trăng rằm để cùng nhau đi rước đèn trung thu ,đủ các loại đèn lồng được thiết kế rất đẹp ,ngoài ra các em nhỏ còn được giao lưu thi ca hát trong đêm trăng rằm.
Ở Trung Hoa, Tết Trung Thu đã có từ thời Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng), đầu thế kỷ thứ 8. Theo truyền thuyết, sau khi dẹp xong An Lộc Sơn, Đường Minh Hoàng nhớ thương Dương Quý Phi không nguôi. Đêm rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, một vị tiên xuất hiện tình nguyện đưa vua đi gặp quý phi. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chấm mặt đất, nhà vua trèo lên cầu vồng đi lên cung Quảng, nhìn thấy quý phi xưa trong đoàn vũ. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, đặt ra tết Trung Thu. Tuy nhiên trước đây chưa có nhiều hoạt động như bây giờ, chỉ đơn thuần là uống rượu và ngắm trăng thanh nên ngày xưa gọi là tết Ngắm Trăng.
Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà “Tang thương ngẫu lục” đã miêu tả. Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung Thu, theo học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) thì từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời, coi như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng Tám, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng. Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa thu là mùa của thành hôn.